Đoạn trên có vẻ khó hiểu lắm, phải không Bạn? “Chính Bạn làm Bạn đau khổ”. Cái lý luận ấy, hình như xa xôi quá nhỉ? Trong đoạn này tôi muốn minh chứng vừa đủ cho Bạn thấy, một số lớn các sự đau khổ ta chịu ở đời, chính chúng ta gây nên cho chúng ta. Tôi hãy dùng mấy ví dụ. Một anh chàng, ngày đêm mài miệt trong cuộc đen đỏ, không còn thiết gì đến chuyện làm ăn. Về nhà vợ con đay nghiến. Anh ta đã chẳng hồi tâm, lại còn đánh chửi đập phá. Thế rồi, một lúc kia “ruộng nương bán hết, xỏ chân vào cùm”. Hết khổ cùm, đến khổ đói. Bao nhiêu bạn bè đều lảng hết, anh ta lang thang “tìm việc”. Nhưng tìm đâu ra? Anh ta mới quay than thở, kêu trách, oán thán, nói phạm thượng v.v… Nhưng phải đâu Chúa muốn làm anh ta đau khổ. Nếu anh ta biết nghe lời, biết chăm chỉ làm ăn như người khác, đừng bè bạn với “xóc dĩa”, với “tổ tôm”… thì ngày nay có đâu nên nỗi. Chả lẽ lúc anh ta đóng sòng, Chúa phải cho anh ta được luôn, dù anh ta chơi vụng… chả lẽ Chúa phải cho hết mọi con bạc đều được cả… Thật là “lỗi tại tôi mọi đàng”. Và đây, một anh bợm. Anh ta tài lắm. Bao nhiêu lần đào ngạch, bao nhiêu lần cướp của đều xuôi hết. Nhưng, không may “đi đêm có ngày gặp ma”, anh ta sa lưới pháp luật. Và người ta đã mời anh ta vào dưỡng sức tại nhà đá… với cơm vôi nước đục. Phải làm bạn với thần đói, thần rét, anh ta mới đâm ra chửi rủa, oán thán, oán Chúa đã làm anh ta đau khổ. Thật là hết sức phi lý. Ai bảo anh ta đào ngạch khoét tường… ? Hay là Chúa phải bịt mắt cảnh binh, tuần tráng, để họ khỏi thấy những “thủ đoạn anh hùng” của anh ta? Thật là “lỗi tại tôi mọi đàng”. Và đây một chàng thanh niên tuấn tú dư tài dư lực… Thân thể cũng như tinh thần, anh ta là niềm hy vọng lớn lao cho gia đình, cho đất nước. Nhưng anh ta đem hoài phí tuổi xuân với tài lực trong những cuộc truy hoan khả ố; ngoài những chuyện hành lạc cả ngày lẫn đêm, anh không còn tìm thấy lẽ sống ở chỗ nào nữa. Thế rồi đâm ra “nội thương ngoại cảm”, thủng phổi, thối ruột… bị đày ải trong xó nhà thương lẻ loi cô quạnh, bao nhiêu bạn “tom chát” không còn một người tới lui… Anh ta đâm ra oán ghét mọi người, oán ghét xã hội, oán ghét cả Chúa. Nhưng ai bảo anh ta hành lạc, ai bảo anh ta hoài phí tuổi xuân? “Lỗi tại tôi mọi đàng” Và đây một thiếu phụ than thở: “Biết thế này, thì chẳng lấy nhau cho xong… Kêu khấn mãi mà cũng không thấy bằng yên…” Nhưng chị quên rằng: trước khi lấy anh, người ta đã hết sức can ngăn, cha mẹ đã hết lời phản đối, vì anh chàng chỉ có cái mã… Chị nhất định không nghe… và quyết rằng sẽ gây được hạnh phúc cho nhau. Vả chị có bằng thì sợ gì… cha mẹ không bằng lòng, thì chị sẽ bỏ nhà ra đi… theo tiếng gọi của người yêu. Nếu chị có biết nghe lời hơn lẽ thiệt, nếu chị đừng quá tin những tiếng đập dồn dập của quả tim, thì đâu nên nông nỗi ấy… “Lỗi tại tôi mọi đàng” Bà Phán được mỗi một mụn con. Bà coi hơn ngọc ngà. Nhưng Bà vẫn thắc mắc về cái tương lai của cháu. Bà nghĩ đêm nghĩ ngày. Sau cùng Bà tìm được một kế. Bà đem tiền đi hỏi thầy bói. Thầy gieo quẻ… quẻ khôn… quẻ càn… quẻ ly… quẻ tốn… gieo đi, gieo lại… hỏi ngược hỏi xuôi… ngày sinh tháng đẻ… hướng nhà hướng vườn… Sau cùng thày trịnh trọng tuyên bố: “Nguy đến nơi, ba tháng nữa, cháu sẽ bị một tai nạn lớn”. Bà Phán tái mặt, về nhà mất ăn mất ngủ… lo ngày lo đêm… đau khổ vì con… Nhưng ai làm cho Bà khổ… Bà đừng đi hỏi thầy bói, có phải mẹ con tha hồ mà vui vẻ với nhau không? “Lỗi tại tôi mọi đàng”. Trước đây, trên nhiều quãng đường ở thành phố Hà Nội, người ta thấy sừng sững những tấm biển: “Đi mau quá, sẽ đưa anh đến… nhà thương không chừng… đề lao chắc chắn”. Nhiều ông tài xế đã thấy chứ có không đâu. Nhưng các ông “bất cần”, cứ phóng bạt mạng, phóng cho hết tốc lực… Một hôm, cảnh binh đến làm “ăng két”! Hôm sau bác tài được đưa đi an trí… ba tháng… không lương. Khổ… Khổ… nhưng người ta đã bảo bác “nhà lao chắc chắn…” Bác đã “bất cần” kia mà! “Lỗi tại tôi mọi đàng”. Thôi, Bạn ạ. Chúng ta “đừng trách lẫn trời gần trời xa…” chính ta đã nhiều phen tự gây họa cho mình! Chả có lý gì, Chúa phải luôn luôn ngăn tất cả những cái đau khổ… nhất là tự mình đã cố ý gây cho mình, tự mình đã làm cả những cái Chúa cấm. Chả lẽ Chúa phải cho hễ đánh bạc thì được, phải cho những anh học trò lười cũng đậu, những người trác táng quá độ không mắc bệnh tật, phải cho dù kết bạn cách mù quáng, gia đình cũng phải được yên vui. Không, Chúa không thể làm thế và ai “đã gieo gió, thì phải gặt bão”. Đọc Kinh thánh, ví dụ truyện Vua Đavít, chúng ta thấy rõ ràng, nhiều sự đau khổ đời này là do chính tội chúng ta gây nên. Chẳng hạn: Vì mê bà vợ ông Uria, nên Vua đã dám ngoại tình với bà, rồi để che giấu tội lỗi của mình, Vua đã mánh khóe tìm cách gián tiếp giết ông Uria. Chúa liền sai tiên tri Natan đến quở trách Vua. Khi thấy Vua thực tình hối tội mình thì tiên tri nói với Vua: “Chúa tha thứ tội cho Vua, nhưng đứa con (ngoại tình) ấy phải chết”; cách ít lâu đứa bé chết thật. [14] Lần khác Vua cho làm sổ kiểm tra dân số trong nước. Kiểm tra dân số, đâu có phải việc xấu, nhưng vua đã cho kiểm tra vì lòng xấu. Nên Chúa đã sai tiên tri đến nói với Vua rằng: vua phải chọn một trong ba hình phạt: một là trong nước bị ba năm đói kém, hai là phải kẻ thù địch đánh đuổi và phải trốn chạy trong ba tháng, ba là cả nước phải chết dịch trong ba ngày. Vua đã nhận hình phạt thứ ba, và trong ba ngày có bảy vạn người chết [15] Và tôi có thể thêm truyện nước Do Thái bị chia sẻ làm hai vì tội vua Salomon. Dù vậy, cả trong những nố kể trên, và các nố tương tự như thế, chúng ta vẫn thấy Chúa đầy tình thương. Mình đã chuốc lấy khổ cho mình, nhưng Chúa vẫn sẵn lòng tha thứ những lỗi lầm ấy. Rồi một khi đã quay về với Chúa, người ta lại có thể lợi dụng sự đau khổ chính mình gây nên, để đền tội, lập công, và chuẩn bị cho phần phúc thiên đàng. Vậy nếu không may Bạn phải sa vào một trong những trường hợp kể trên, thì đừng thở than làm chi vô ích, và vô lý. Bạn hãy thành thực đấm ngực, ăn năn: “Lỗi tại tôi mọi đàng”, xin Chúa thứ tha, và lợi dụng ngay những cái đau khổ ấy để mưu ích lợi thiêng liêng cho mình. Bạn hiểu chứ? [14] II Sam. 11-12 [15] II Sam. 24
|